Câu 1: Thời gian mang thai được tính như thế nào?

Trên lý thuyết, thời gian mang thai kéo dài 9 tháng, hoặc 41 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, hoặc 39 tuần kể từ ngày thụ thai nếu bạn biết được chính xác ngày thụ thai.

Câu 2: Các mốc khám thai?

Lần khám thai đầu tiên nên làm ngay khi phát hiện có thai, bạn hãy gặp một bác sĩ sản khoa để khám và nhận những lời khuyên đầu tiên về thai nghén.Lần siêu âm đầu tiên nên làm khi thai được 10-12 tuần, lần thứ hai nên làm vào lúc 4 tháng và lần thứ ba vào lúc thai được 7 tháng. Bắt đầu từ tháng thứ 4, mỗi tháng nên khám thai một lần.

Câu 3: Khi nào thì bạn sẽ cảm thấy bé sẽ cử động?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cả hai mẹ con bạn. Thường thì bà mẹ sẽ cảm thấy con mình động đậy vào lúc thai được 4 tháng. Nhưng có những bà mẹ cảm thấy điều này sớm hơn hoặc muộn hơn so với dự tính thông thường. Ban đầu bạn thường chỉ cảm thấy bé động đậy vào ban đêm hoặc khi bạn yên tĩnh, càng lớn bé sẽ càng động đậy nhiều và mạnh lên, nếu một ngày nào đó mà bạn cảm thấy bé không động đậy thì bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Câu 4: Siêu âm thai nhiều lần có ảnh hưởng gì không?

Nhiều mẹ bầu muốn theo dõi thai kỳ bằng việc siêu âm nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều mẹ lo ngại siêu âm nhiều lần trong gian đoạn mang thai lại ảnh hưởng đến thai nhi, việc sóng siêu âm có thể gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai. Và đâu là thời điểm siêu âm hợp lý mà mẹ bầu cần quan tâm và không được bỏ qua?

Đến thời điểm hiện nay, chưa có nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng về việc sóng siêu âm gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai. Do đó, các thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để được sự tư vấn từ bác sĩ và có kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp.

3 thời điểm vàng để siêu âm hiện nay là ở tuổi thai: “11-13 tuần (12 tuần), 20-24 tuần (22 tuần) và 28-32 tuần (32 tuần). Quá trình siêu âm tại mỗi thời điểm khác nhau, sẽ có giá trị khác nhau trong việc chẩn đoán các bất thường của thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ”.

Câu 5: Mẹ bầu nên dùng thuốc như thế nào?

Tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc cảm cúm khi dùng đều phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

Câu 6: Có nên ăn nhiều hơn không?

Bạn không phải ăn bằng hai người mà là ăn cho hai người. Bạn hãy ăn nhiều hơn những thức ăn giàu năng lượng như thịt cá, chất bột, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đạm thực vật, ăn nhiều hoa quả và rau tươi nhất có thể được. Vào quý thứ nhất, mỗi ngày cơ thể bạn cần thêm khoảng 100 Kcal so với bình thường, sau đó là khoảng 250 Kcal mỗi ngày trong hai quý tiếp theo. Trọng lượng tăng lý tưởng trước khi sinh là 12 kg. Tất nhiên có thể tăng giảm một chút tuỳ từng người. Ngày nay, các bác sĩ đều khuyên các bà mẹ không nên cố gắng tăng quá nhiều cân trong quá trình mang thai vì có thể dẫn đến khó sinh do chất béo tích tụ ở vùng xung quanh xương chậu. Để tránh bị táo bón, bạn nên ăn thật nhiều rau quả, tránh ăn cà rốt chung với cơm và chocolat trong cùng một bữa ăn, nên uống nhiều nước.

Câu 7: Mẹ bầu có nên tập thể thao không?

Nếu bạn vẫn đang tập một môn thể thao nào đó từ trước khi mang thai, bạn có thể tiếp tục với điều kiện môn thể thao đó không quá nặng. Bạn hãy lắng nghe cơ thể mình để tìm ra các vận động thích hợp.